Các cách chăm sóc vùng kín sau sinh
Âm đạo là bộ phận trong cơ thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vùng thường ít được quan tâm hoặc không được quan tâm đúng cách
Âm đạo là bộ phận trong cơ thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau sinh. Tuy nhiên, đây cũng là vùng thường ít được quan tâm hoặc không được quan tâm đúng cách để có thể nhanh chóng phục hồi sau cuộc vượt cạn đầy khó nhọc. Dù bận rộn với cuộc sống bỉm sữa sau sinh thì các chị em cũng cần tranh thủ thời gian để quan tâm đến vùng kín để tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nhé. Sau đây là những điều bạn cần lưu ý:
1. Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn
Không phải tất cả phụ nữ sinh thường đều bị rạch tầng sinh môn, nhưng nếu bạn thuộc một trong số đó, hãy giữ gìn vệ sinh sạch và khô ráo khu vực nhạy cảm này. Khi ngồi, cố gắng đừng đặt trọng tâm cơ thể lên phía vết khâu. Lưu ý khi vệ sinh xong luôn dùng khăn ấm hay khăn giấy lau sạch theo hướng từ trước ra sau; trong lúc vệ sinh có thể kết hợp dùng vòi nước để tránh làm nhiễm khuẩn. Tầng sinh môn được khâu bằng chỉ tự tiêu và sẽ hết đau sau 1-2 tuần sau đó.
2. Những vấn đề về sản dịch
Trước khi sinh, cổ tử cung cần mở rộng hết mức để bé yêu dễ dàng chui ra ngoài. Do đó sau sinh, tử cung và cổ tử cung, âm đạo cần nhiều thời gian để phục hồi. Tại thời điểm này, niêm mạc tử cung sẽ bị hoại tử bong ra cùng với những cục máu đông nhỏ từ vết thương, nơi nhau bám và chất nhầy tử cung… thoát ra ngoài – gọi là sản dịch.
Sản dịch có thể kéo dài đến 6 tuần sau sinh. Trong những ngày đầu tiên, máu có màu đỏ tươi và nhiều, khi ho, đi đứng,… bạn có thể cảm nhận dòng máu đang chảy ra, đôi khi có lẫn cục máu nhỏ. Nên lưu ý thay băng vệ sinh và làm sạch vùng kín thường xuyên bằng nước ấm. Cần quan sát và báo lại với bác sĩ nếu lượng máu chảy ra quá nhiều so với ngày nhiều nhất của một kỳ kinh. Lượng máu sẽ ít và nhạt màu dần sau khoảng 3-4 ngày, và giảm dần sau đó. Nếu sau 6 tuần sản dịch vẫn còn và kèm mùi hôi, sốt cao, bụng dưới căng tức,… thì khả năng bạn đã bị bể sản dịch và cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
3. Khắc phục hiện tượng són tiểu
Hiện tượng són tiểu rất hay gặp ở những tuần đầu sau sinh, sau đó âm đạo sẽ dần thu về lại kích thước cũ. Mẹ cũng có thể chủ động khắc phục bằng bài tập Kegel, khá đơn giản và hiệu quả - lưu ý nên tập khi bàng quang rỗng để không phản tác dụng làm suy yếu vùng chậu và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hãy hình dung bạn đang đi tiểu nhưng cố ngăn dòng tiểu lại, lúc này cơ vùng chậu sẽ làm nhiệm vụ co thắt – và đó cũng chính là động tác của bài tập Kegel. Nên lặp lại khoảng 5 lần mỗi lúc tập, và 3-4 lần tập mỗi ngày. Bạn sẽ sớm thấy hiệu quả của nó.
4. Xông hơ và vệ sinh vùng kín
Xông hơ vùng kín nhằm giúp giảm mùi hôi đặc trưng sau sinh và sát khuẩn, chống sưng viêm, thúc đẩy quá trình phục hồi âm đạo. Thông thường xông hơ vùng kín sẽ sử dụng lá trầu không hoặc tinh dầu lấy chiết xuất từ nó. Khi xông cần lưu ý đặt chậu nơi kín gió, nhiệt vừa đủ ấm để có tác dụng nhưng không quá nóng, gây bỏng. Mẹ cần dùng khăn hoặc chăn nhỏ để trùm giữ ấm cơ thể trong thời gian xông. Lưu ý luôn vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng nước ấm mỗi ngày.
5. Kiêng cử sinh hoạt vợ chồng trong những tuần đầu tiên
Đây không phải là mối quan tâm của nhiều phụ nữ sau sinh, nhưng chị em cũng cần biết rõ để đảm bảo cho vùng kín đủ sẵn sàng và giải thích cho bạn đời của mình. Khuyến cáo chung là chờ ít nhất 6 tuần sau sinh thì mới có thể “yêu” trở lại. Vì lý do cần tránh nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cho âm đạo, và để những vết khâu có thể phục hồi. Sau 6 tuần, chị em có thể tùy cơ địa và nhu cầu bản thân mà quyết định thời điểm bắt đầu chuyện gối chăn trở lại.
6. Những lưu ý về nhiễm khuẩn, nhiễm trùng âm đạo
Mẹ bỉm cần lưu ý thêm những nguy cơ về nhiễm trùng, nhiễm khuẩn âm đạo. Đầu tiên là từ những đồ dùng chung: trang phục của bệnh viện khử trùng đủ sạch, khăn tắm dùng riêng, luôn giữ sạch, khô ráo. Sau đó cần lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể như: việc đau nhức nhiều ở các mũi khâu, có vết đỏ xung quanh hay xuất hiện chất dịch xanh, vàng; xuất hiện hiện tượng có mùi hôi, ngứa nhiều ở vùng kín; hoặc cục máu đông to bất thường, hay hiện tượng tiểu không kiểm soát,… đều đáng lưu tâm và cần bác sĩ tư vấn, can thiệp kịp thời.
Xem thêm các bài viết khác tại Momcare24h: