Dinh dưỡng và cân nặng hợp lý cho mẹ bầu
Mẹ bầu nên quan tâm thai nhi có phát triển bình thường hay không thay vì lo lắng về cân nặng. Bởi vì trên thực tế, cân nặng của mẹ không hoàn toàn tỷ lệ thuận với cân nặng của thai nh
Dinh dưỡng và cân nặng thai kỳ là điều được các mẹ bầu quan tâm hàng đầu. Để giải tỏa thắc mắc cùng “áp lực” cho mẹ bầu, bài viết dưới đây xin chia sẻ về cách ăn uống và tăng cân hợp lý, khỏe mạnh trong thai kỳ.
Khi mang thai, tăng bao nhiêu cân là hợp lý?
Trong quá trình thăm khám suốt thai kỳ, mẹ bầu nên quan tâm thai nhi có phát triển bình thường hay không thay vì lo lắng về cân nặng. Bởi vì trên thực tế, cân nặng của mẹ không hoàn toàn tỷ lệ thuận với cân nặng của thai nhi, nên mới có trường hợp mẹ tăng cân nhiều, nhưng con vẫn nhẹ ký – “vào mẹ không vào con” là vậy.
Tổng số calo cần thiết mỗi ngày trong thai kỳ phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng của người phụ nữ trước khi mang thai và mức độ hoạt động hàng ngày của cô ấy. Nhìn chung, phụ nữ thiếu cân cần nhiều calo hơn khi mang thai, và ngược lại. Theo khuyến nghị của Viện Y học (IOM) về việc tăng câng thai kỳ như sau:
- Phụ nữ thiếu cân, có chỉ số cơ thể (BMI) dưới 18,5 nên tăng từ 12,7 – 18 kg;
- Phụ nữ cân nặng bình thường, BMI từ 18,5 đến 24,9 nên tăng từ 11,3 – 15,8 kg;
- Phụ nữ thừa cân, BMI từ 25,0 – 29,9 nên tăng từ 6,8 – 11,3 kg;
- Phụ nữ béo phì, BMI từ 30,0 trở lên, nên tăng từ 5 – 9 kg.
(Đối với trường hợp đa thai thì cần đối chiếu bảng tăng cân khác, theo khuyến nghị của IOM.)
Trường hợp tăng cân quá nhiều, mẹ bầu sẽ dễ mắc các bệnh như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp và nhiều trở ngại khi chuyển dạ, sinh con. Ngược lại, nếu tăng cân quá ít, các mẹ sẽ đối diện với nguy cơ sinh non, trẻ thiếu cân hoặc sinh khó. Sau những thông tin trên, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là:
Dinh dưỡng thai kỳ như thế nào là hợp lý – “vào con không vào mẹ”?
Dinh dưỡng thai kỳ có những lưu ý nhất định trong từng tam cá nguyệt thứ nhất, thứ hai và thứ ba – tùy theo từng giai đoạn phát triển và cần bổ sung dưỡng chất ở thai nhi. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản mà các mẹ bầu cần ghi nhớ là: phải luôn chọn thực phẩm tươi, ăn nhiều rau và trái cây, uống đủ nước để ngừa táo bón, giúp mẹ và bé khỏe mạnh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn cho bà bầu cần có đủ 4 nhóm thực phẩm:
- Nhóm chất bột: gồm gạo, mì, ngô, khoai,…
- Nhóm chất đạm: gồm thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu đỏ,…
- Nhóm chất béo gồm: dầu mỡ, vừng, lạc,…
- Nhóm vitamin khoáng chất và chất xơ: gồm rau có màu xanh và các loại quả chín.
+ Các vitamin: A, B, C, D, E, K,… đều rất cần thiết cho thai phụ và thai nhi. Cần bổ sung thông qua các loại thực phẩm tự nhiên mỗi ngày.
+ Canxi: bà bầu cần thêm 1000mg Canxi mỗi ngày, nên chọn những thực phẩm như sữa, trứng, váng sữa, sữa chua,…
+ Axit Folic: có vai trò rất quan trong đối với hệ thần kinh của trẻ, có nhiều trong gan động vật, rau xanh sẫm, súp lơ, đậu, dâu tây,…
+ Omega 3: có trong dầu ăn, dầu oliu và mỡ cá…
+ Protein (đạm): có ở các thực phẩm như cá, gà, thịt, trứng và đậu – giúp tạo cơ, xương và máu.
+ Sắt: tham gia quá trình tạo máu, vận chuyển oxy. Sắt có nhiều trong gan lợn gà, lòng đỏ trứng, thịt bò, các loại rau củ quả như đậu đỗ…
+ Kẽm: có trong cá, hải sản, thịt gia cầm và sữa. Kẽm rất cần thiết để đảm bảo cân nặng và kích thước vòng đầu của bé. Kẽm còn cần thiết cho sự phát triển của bé trước và sau khi sinh.
Để đối phó với các chứng nôn ói và khó tiêu, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể dễ dàng hấp thụ. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể sử dụng thuốc bổ, các viên đa vitamin để bổ sung các vi chất cho cơ thể, với liều lượng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm các bài viết khác tại Momcare24h: